Lê Nghị
HỌC MAU LÊN KẺO TA QUÊN
DÂNG LÊN MẸ VIỆT NAM
( Thế nào là Phong Phú và Chuẩn Mực trong tiếng Việt)
*
Gần đây khi dư luận lắng xuống chuyện Bùi Hiền thì đầu năm học lại dấy lên chuyện Hồ Ngọc Đại. Lý do vì sao thì chắc là ai cũng nghe ớn rồi.
Nhìn chung dư luận mong muốn giữ gìn bản sắc, sự phong phú và chuẩn mực của tiếng Việt đã thể hiện trong phát âm và ký âm bằng chữ quốc ngữ đã quen thuộc từ xưa đến nay.
Một vấn đề cần đặt ra là có gì mâu thuẫn giữa hai đòi hỏi cùng một lúc: phong phú và chuẩn mực không?
Có điều hài hước là khi đề cập đến chữ quốc ngữ, ai cũng biết đến công lao của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, trong đó hai vị nổi bật là Francisco De Pina, giáo sĩ đầu tiên giảng đạo bằng tiếng Việt và Alexandre de Rodes, người in cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên. Nhưng ai dạy cho các vị ấy tiếng Việt nhỉ?
Francisco De Pina thì không biết, nhưng thầy dạy tiếng Việt cho cụ cố chữ quốc ngữ lại là một cậu bé 11 tuổi ở Hội An. Chỉ trong 3 tháng cậu dạy cho cụ Rodes biết nói hết tiếng Việt. Cụ cố bái phục sư phụ nhỏ tuổi người Việt này. (Hồi ký của Alexandre de Rodes)
Hiến pháp ta ngày nay, chỉ nói vỏn vẹn một câu: ngôn ngữ của nước CHXHCNVN là tiếng Việt. Thế thôi, chẳng nói gì thêm! Quyết định 240/ QĐ năm 1984 do Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Thị Bình ký, quy định về chính tả là một quy định mở, tôn trọng sự phong phú của các vùng miền, tuy có nhắc qua cũng nên định hướng dần thống nhất, nhưng rất thận trọng.Trước mắt sử dụng từ điển Tiếng Việt của nhà xuất bản văn học. Đến nay đã 34 năm vẫn còn hiệu lực và không thấy thống nhất gì thêm ngoài quy định của Bộ Nội Vụ về thể thức văn bản hành chính, chú trọng phần trình bày là chính, và cũng chỉ trong phạm vi hành chính.
Vậy phát âm nào là chuẩn? Nhiều người nghĩ rằng tiếng Hà Nội làm chuẩn, vì Hà Nội vốn là thủ đô nghìn năm văn vật. Nhưng như vậy là trái với phiên âm của những từ điển thời Cụ Rodes. Vì các nhà truyền giáo lập từ điển chủ yếu là ký âm ở Đàng Trong. Và người dạy phát âm tiếng Việt cho cụ Cố Quốc Ngữ là cậu bé ở Hội An, nên phải hiểu rằng các nhà truyền giáo nói âm Quảng Nam, nơi mà phát âm a thành ô, có khi thành oa. “ Đi làm” thành / đi lồm/ , “ba bát “ thành / boa boát/.
Chắc chắn thời Trịnh- Nguyễn phân tranh, hai vị giáo sĩ đều ở tại Quảng Nam, không việc gì phải thiên vị Thăng Long. Khi A.de Rodes ra truyền giáo tại Thăng Long đâu vài ngày là ai đó gièm pha nói cụ là gián điệp chúa Nguyễn nên bị trục xuất, có đâu mà tập nói giọng Hà Nội? Đồng thời người Hà Nội trước 1954 hiện nay có còn là đa số cư dân của thành phố không, hay là dân tứ xứ nhiều hơn?
Tuy nhiên các giáo sĩ Bồ Đào Nha trong từ điển Bồ- La-Việt thì ký âm tất cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Bởi vì thời đó chắc chắn phải có người Đàng Ngoài theo chân chúa Nguyễn vào Nam. Thổ âm của người Việt rất lạ lùng, cách nhau một cái đèo là nhận ra sự phát âm khác nhau. Các nhà từ điển nước ngoài khách quan, ký âm tất tần tật những âm nào mà người Việt đã phát trong giao tiếp. Nam kỳ lại là nơi viết chữ quốc ngữ trước trong văn bản hành chính, sau đó mới tới Bắc, rồi Trung kỳ cuối cùng năm 1919. Nhưng từ khi Hà Nội được (hay bị?) người Pháp đặt Phủ Toàn Quyền Đông Dương, thì vai trò phát âm của người Hà Nội được chú ý, sau đó Hà Nội lại tiếp là thủ đô từ 1945 đến nay nên trong thâm tâm một số người âm thanh của người thủ đô, mà đại diện là âm thanh của phát thanh viên Đài Tiếng Nói Việt Nam là âm thanh chuẩn.
Tôi vẫn cứ thắc mắc, tại sao chữ tượng hình của nước ta trước chữ quốc ngữ lại gọi là chữ Nôm (喃)? Phải đọc là Nam mới đúng chứ. Phải chăng do cậu học trò xứ Quảng trong khi dạy cho cố A. de Rodes cái âm /a /đã phát âm thành /ô/ thế là nhà từ điển học ký âm thành Nôm luôn! Gió thổi từ Nam về Bắc cũng gọi là gió Nồm. Từ điển Bồ – La – Việt đi kèm với cuốn Phép Giảng Tám Ngày, được truyền bá rộng rãi từ 1651 ở cộng đồng Ki -Tô hữu miền đất phương Nam của chúa Nguyễn và mãi 1887 mới sử dụng ở Bắc kỳ, và chính thức hoà nhập toàn quốc 1919, đời vua Khải Định, năm thi chữ Nho cuối cùng. /Thế nà nàm thao/ mà gã lẩm cẩm này biết được tiếng nào là chuẩn? Thôi thì sinh và lớn lên ở xứ “ Trầm” nên chỉ quen phát âm dấu hỏi ( ?) chứ không quen phát âm dấu ngã (~) bổng hơn vậy.
Nói lòng vòng thì thấy nếu căn cứ từ ký âm gốc của các giáo sĩ thì ký âm chính là từ trung trung bộ: xứ Quảng, dùng trước ở Nam kỳ rồi Bắc kỳ. Còn đất của anh học trò xứ Quảng cũng như các tỉnh trung trung bộ, gần kinh đô Huế, việc cấm đạo nghiệt ngã hơn từ thời Minh Mạng nên cái nôi sinh ra chữ quốc ngữ lại tái sử dụng sau cùng. Không có âm của khu vực nào gọi là chuẩn của tiếng Việt cả, tôi rất tán thành và ngưỡng mộ tầm nhìn của cựu bộ trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Thị Bình khi ký Quyết Định 240/ QĐ năm 1984, là một cái nhìn: giữ gìn sự phong phú âm thanh của tiếng Việt, cái âm thanh mà một Giáo sĩ nước ngoài say mê: – Như âm nhạc nhất là khi nghe một phụ nữ nói! (Hồi ký của A.de Rodes). Đồng thời cũng theo quyết định đó, về chính tả cũng phản ảnh rõ gìn giữ di sản chung, hạn chế tối đa việc chuẩn ví dụ viết: sinh mệnh, sinh mạng,sanh mệnh, sanh mạng… đều chấp nhận.
Tôi thì tôi cho rằng, đã có thanh dấu hỏi (?) ngã ( ~), và có phụ âm cuối là n và ng, thì có cách đọc và cách viết khác nhau. Nhưng trong phát âm hàng ngày chẳng ai bắt bẻ tôi phát âm không chuẩn dấu ngã, và hoa lan khoai lang lại phát âm giống nhau. Kể cả khi tôi nói chuyện trước công chúng vài trăm người chẳng ai cười rầm lên cả. Khác với một người thầy của tôi khi chúng tôi sắp hàng chuẩn bị chào cờ lúc học trung cấp y, thầy dõng dạc hô:“ Lào, chuẩn bị! Nghiêm!”.
Cả sân cười rần, thầy quay người lại, giận và nghiêm sắc mặt nhìn chúng tôi nói lớn:“ anh chị lào vừa cười? Lào, cười nên,cười lữa đi lào! Cười lữa đi lào!“. Tôi nghe phía sau lại cười rần lớn hơn! Còn tôi phải bụm miệng, cúi đầu và nén hơi trong bụng nhưng vẫn thoát ra tiếng cười rúc rích. Xui cho tôi và vài bạn đứng đầu hàng trước mặt thầy!
Tuần đó có lệnh từ Ban tổ chức nhà trường xếp bọn tôi đạo đức hạng C.
Như vậy chuẩn mực trong phát âm là giới hạn trong khung âm mà không làm nhầm với một từ có nghĩa khác. Ví dụ không nói: tổ quốc thành tổ cuốc vì tổ cuốc có nghĩa khác: ổ của con cuốc. Không nói hai tay đến mức thành hai tai như vài người ở phương nam, không nói ta viết thành ta quyết, hoặc ta diết như vùng quê Phú Yên, Khánh Hòa …Hoặc là phát âm được hai âm khác nhau nhưng nói lộn ngược: nàng thành làng và ngược lại.
Trên là chuyện sau trung học. Còn trước trung học, tôi nhớ năm lớp nhì( lớp 4 nay), cô giáo trẻ dạy tôi người Huế, nói giọng Huế mà ngay từ nhỏ tôi cảm nhận rất ngọt ngào. Khi chấm điểm chính tả, cô trừ 1/4 điểm khi tôi sai dấu ngã, và 1/2 điểm khi thừa hoặc thiếu chữ g. Tôi nghĩ rằng việc nói và viết sai là việc mình cố gắng học hỏi. Lúc đó tôi sống 8 năm sát hai nhà người Hà Nội di cư. Trong đó có một bạn gái, một bạn trai cùng lớp, và tổng số ông bà, cha mẹ, rễ dâu, con cháu lớn bé trên 20 người. Tôi gặp gỡ và giao tiếp thường xuyên. Trẻ con mà! Chúng tôi học hỏi nhau: tôi nhờ bạn phát âm: hỏi, ngã, lan và lang, gi và d; ngược lại bạn nhờ tôi phát: tr và ch, c với qu. Nhờ vậy, chúng tôi khắc phục được lỗi vừa kể khi nghe cô đọc viết chính tả. 43 năm chưa gặp, không biết các bạn nói có chuẩn không? Riêng tôi sau 50 năm nhờ bạn luyện âm, từ đó nghe tôi nhận ra sự khác nhau, nhưng nói: “Vũ như cẩn”!
Từ khi lên đệ thất, tôi và các bạn cùng lớp, do chiến tranh tứ xứ học chung, nói đủ thứ giọng, nhưng không bao giờ viết sai từ, chỉ riêng tôi và vài bạn hay sai dấu ngã và không biết khi nào là viết i hoặc y khi nó là nguyên âm đơn.
Chúng tôi đã được thầy chỉ cho lúc vào vào đầu năm đệ thất ( lớp 6) :
— i được dùng cho từ thuần Việt, y dùng cho từ Hán Việt. Đồng thời hãy thuộc câu này:
Học Mau Lên Kẻo Ta Quên
Theo đó y đi theo những phụ âm được tôi đánh chữ in. (Hiện nay người Việt hải ngoại dùng công thức này).
Năm đó thầy cũng dạy:
— từ đơn thì hỏi, ngã khó biết, nhưng lại dễ nhận ra, do thói quen gặp hàng ngày. Các em đọc nhiều tự dưng nhớ.
— Dấu hỏi, ngã được viết trong từ láy thuần Việt theo quy luật 2 nhóm: Huyền ngã nặng, sắc không hỏi. Theo đó thì:
-Huyền ngã nặng: bầu bĩnh, tĩnh lặng
-Sắc không hỏi: bướng bỉnh, rôm rả.
-Từ Hán Việt cũng tương tự.
Nhưng thầy dặn thêm: tất cả đều có nhiều ngoại lệ, các em chỉ dùng công thức đó khi chưa biết chắc chắn thôi! Nếu một từ mà các em hoàn toàn không biết hoặc quên thì dùng quy luật đó cũng đúng đến 80% trường hợp. Cần biết rằng khi viết bài văn 1000 từ, các em chỉ gặp khoảng 10 lần phân vân hỏi hay ngã là cùng, và cao lắm cũng sai hai lần, nghĩa là 2/1000. Nhân vô thập toàn! Đời người không phải hơn thua nhau vì dấu hỏi hay ngã. Làm văn viết sai thì thầy trừ điểm để lần sau nhớ mà tránh. Các em cần dành thời gian học nhiều điều khác bổ ích hơn, ngay cả trong môn quốc văn này và các môn khác.
Ôi thầy giáo của chúng tôi thật là nghiêm khắc mà bao dung làm sao!
Mới đây anh bạn Nguyên Lac có tặng tôi bài viết phân tích hỏi, ngã rất công phu, nhưng khoa học và dễ hiểu của tác giả Lê Bá Vận,trang “vanhoanghean.com.vn”. Các bạn tham khảo và đưa cho con em mình học. Tôi nghĩ theo cách đó có thể giúp các em miền trung trung bộ trở vào Nam viết đúng hỏi ngã đến 90% .Nghĩa là khi viết bài văn 1000 từ thì cao lắm sai chỉ một dấu ngã. Lê Bá Vận sau khi phân tích sự khác nhau giữa từ thuần Việt và Hán- Việt cũng đưa câu thần chú: dấu ngã được dùng trong tiếng Hán Việt, tuy cũng có ngoại lệ, nhưng đa số là đúng, trong các từ bắt đầu tôi viết chữ in sau:
Dâng Lên Mẹ Việt Nam
Dẫn chứng, lãng mạn, mẫu tự, viễn xứ, nhẫn nại…
(Nhưng theo tác giả không quá 30 ngoại lệ. Hjhj tiếng Anh còn có tới hơn 300 động từ bất quy tắc mà)
Về chính tả thì thực ra sự tranh cãi không có, tất cả đều theo quyết định 240/QĐ đã 34 năm, đừng thêm bớt gì nữa cả, cũng không thay mẫu tự, chỉ gây tranh cãi. Các nước chưa thấy ai thay mẫu tự trong thời đại ngày nay, trừ những nước chữ tượng hình như China, Japan…
Đến nay, tôi vẫn yêu cái thanh bổng, trầm tự nhiên của người Hà Nội, cái dịu ngọt của giọng Huế, cái rắn rỏi của xứ Quảng trong đó có Quảng Ngãi là quê nội, cái thanh tao và hào sảng của người đất phương Nam…Khi tôi tập làm thơ, ví dụ : “giáo gươm” tôi nghe có tiếng gió khi múa giáo đâm gươm hơn là viết chữ “dáo gươm”. Khi nói về sông tôi viết chữ “ giòng sông” nhưng tôi lại viết “dòng chữ “, vì khi viết chữ giòng tôi nghe có tiếng nước chảy, tiếng gió thoảng qua, còn dòng chữ vì nó đứng yên. Có thể đó là cảm giác của riêng tôi hay của chỉ một vài người, nhưng tôi thật tình lạy các nhà sư phạm đừng nhập một gi với d, chứ chưa nói luôn cả chữ r.
Khi tôi thấy một phụ nữ chuyển dạ sắp sinh:
Mồ hôi giọt ngấn giọt ròng.
Em đau em níu vai chồng, em đau.
Tôi không thể viết và đọc : Dọt ngắn dọt dòng được! Vì trong tâm thức của tôi đã hình thành một hình ảnh: Giọt là cái gì đó, nhỏ bé, hình thành từ nước sắp hoặc đang rơi xuống; còn dọt là cái gì đó đột ngột bắn lên. Hai hình ảnh trái ngược không thể diễn đạt cùng âm cùng chữ viết. Dòng nước rặt, dòng nước ròng thì có nghĩa; dòng nước dặt, dòng nước dòng: vô nghĩa. Không thể đem cái vô nghĩa thay cho có nghĩa được.
Một từ của ngôn ngữ nào cũng phối hợp các yếu tố của hình vị học (Morphology), âm vị học (Phonology) ngữ nghĩa ( Lexicon) và cả thói quen, nó mới tạo thành bản sắc ngôn ngữ (native language). Nếu đặt quan điểm gọn nhanh lên hàng đầu, thì người Mỹ, Nga nổi tiếng thực dụng, sáng tạo đã cải cách trước rồi, họ bắt chước tiếng Việt cho nó gọn. Cả chữ viết và ngữ pháp đều bắt chước được hết, hoặc tự ái phải học nước lạc hậu thì bắt chước chữ viết Pháp vẫn gọn hơn. Tôi không dám chê bác Bùi Hiền là thiếu học được, nhưng tôi thực sự không hiểu vì sao phải bỏ 40 năm nghiên cứu mới đề ra cải cách: gom gọn một số âm và đổi lại ký tự. Trong khi một học sinh lớp 9 bảo em đem ký hiệu bảng phiên âm quốc tế (International phonetic), có từ thời A.de Rodes chưa sinh, kéo từ trên mạng xuống, lấy ký tự phiên âm thay vào mẫu tự Việt, em sáng trí có thể làm 30 phút. Có phát kiến gì đâu? Sao các nước không dùng để cải cách? Đơn giản đó là quy ước phiên âm quốc tế, để ký âm cho người chưa biết cách đọc tiếng dân tộc khác; và để các nhà ngôn ngữ học đi vào các bộ tộc hoang dã ký âm tiếng nói mà xây dựng từ vựng.Tiếng Việt hiện nay không có dạng phụ âm kép kiểu pl, kr, ( cluster) nhưng miền núi Tây nguyên có: krong( sông), pleiku, và các đỉnh núi viết là cưpao,cưpong…nhưng đọc là/ chư pao, chư pong/. Hoặc viết là Đaklak mà không viết Đắc Lắc. Tại sao vậy? Tại vì muốn ghi nhớ các địa danh đó là do các dân tộc thiểu số đặt tên. Tóm lại , phiên âm quốc tế mượn chữ Latin để ký âm, âm nào gần mà không giống thì vẽ thêm một ký tự khác. Chứ không phải chữ Latin mượn ký hiệu phiên âm quốc tế ký âm làm chữ viết cho Roma. Và ai đó chỉ dựa vào ký âm mà tự đọc bao giờ cũng lơ lớ chứ không thật giống âm người bản xứ. Đừng tưởng rằng chữ “cut” của tiếng Anh và chữ “cắt “của tiếng Việt , phiên âm quốc tế giống nhau phụ âm /k/ mà đọc như nhau. Âm / k/ của tiếng Anh có gió, tiếng Việt thì không. (Bạn đưa bàn tay ra trước miệng đọc cơ mà có gió thổi vào lòng bàn tay thì đó là âm tiếng Anh, không có gió vào bàn tay là âm Việt). Đó là lý do người Mỹ nói chữ “ca” tiếng Việt nghe lơ lớ chữ “ kha”. Việc đồng nhất ký tự phiên âm quốc tế thành chữ viết không những khiến người nước ngoài đọc không chính xác mà một thời gian sau tiếng Việt cũng lơ lớ do các em khi học ngoại ngữ cũng cùng phiên âm như vậy.
Mọi âm thanh tiếng Việt đã gắn trong tâm hồn tôi trên 60 năm rồi.Và tôi cũng muốn con cháu tôi cũng được hưởng thụ những cảm giác tuyệt vời đó. Cho nên cá nhân tôi kịch liệt phản đối việc gom âm trong tiếng Việt. Hãy giữ nguyên hiện trạng và âm của tiếng Việt như 34 năm có quy định về chính tả. Hãy nghe lời cựu bộ trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Thị Bình, mà ông ngoại của bà là cụ Phan Chu Trinh, một trong những người hàng đầu khuyến khích Tây học, và thành quả là đem lại cho trí tuệ Việt Nam hai thập kỷ ánh sáng: 1925-1945.
Đến nay, tôi không coi âm của vùng nào là chuẩn, và tôi trân trọng tất cả âm thanh mà người Việt phát ra được, cho dù tôi không quen phát và ít nghe âm của họ. Toàn bộ những thanh âm tiếng Việt hãy giữ như nó vốn có, chúng tạo cho tiếng Việt trở thành một bản giao hưởng nhiều cung bậc nhất, bất tận và xếp vào hàng quý giá nhất của nhân loại.
Lê Nghị
Bạn phải đăng nhập để bình luận.