.
I.
Dịch thơ khó nhất trong các hình thức dịch. Mặc dù từ xưa tới nay đã có nhiều người dịch thơ, nhưng người ta vẫn bàn luận rất nhiều về các khó khăn khi dịch và đa số cho rằng thơ không thể dịch được. Câu “Poetry is what is lost in translation” (Thơ là cái bị mất khi đem dịch) thường được gán cho là của Robert Frost, nhưng không ai tìm ra câu này trong thi phẩm, thư từ của thi sĩ, cũng như các bài phỏng vấn hay tường thuật về ông.
Văn học VN chưa có một mảng rõ rệt về dịch thơ xuôi (sang Việt ngữ) cũng như ngược (sang ngoại ngữ) . Nhờ thuận lợi có một số tương đồng về ngôn từ và thi pháp giữa Hán và Việt, khiến dịch thơ phần nào dễ dàng hơn, nên đã có khá nhiều thơ dịch giữa 2 ngôn ngữ này; kỳ dư đối với các ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Đức… xuất hiện rất ít thơ dịch. Có lẽ vì thi pháp Âu Mỹ xa lạ, phức tạp, với các luật tắc như cước đoạn (foot – nhịp câu ghép bởi số âm tiết mạnh yếu) nhịp thơ (meter – qui định bởi số ghép cước đoạn trong câu)… khiến lĩnh hội thơ đã khó huống chi thưởng ngoạn đến nơi đến chốn để mà đem dịch.
Nội dung và hình thức được quan niệm quan trọng khác nhau dẫn tới những khảo hướng dịch thơ khác nhau. Để tiện tìm hiểu có thể tạm chia thành 3 loại chính: dịch sát chữ; dịch thoát chú trọng ý tưởng, thông tin; và dịch thoát chú trọng tinh thần, phong cách.
1/ Khảo hướng dịch sát chữ cho rằng bản gốc quyết định mọi thứ: hình thức, thi pháp, từ vựng của bản dịch phải trung thành tối đa với bản gốc. Quan niệm này thông dụng, cổ điển, nhưng rất khó thực hiện hoàn hảo. Chỉ dễ dàng khi hai ngôn ngữ có nhiều điểm tương đồng về hình thức, ngôn từ và thi pháp (vd. Hán và Việt). Hoặc là bài thơ ngắn gọn, như hình thức haiku của Nhật, tứ tuyệt của Trung Quốc..
2/ Khảo hướng tôn trọng tư tưởng cho rằng hình thức giá trị văn học không quan trọng bằng nội dung tư tưởng, nhất là hình thức thường rất khó giữ được trong bản dịch. Vậy phải dịch đầy đủ nội dung cho dù là phải dùng hình thức văn xuôi, hay thơ tự do, không vần. Giới nghiên cứu, dịch giả, nhà ngữ học chuộng khảo hướng này.
3/ Khảo hướng chú trọng tinh thần và phong cách đặt nặng tác dụng hiệu quả của bản dịch đối với độc giả. Hình thức, thi pháp và từ vựng phải thay đổi thích ứng với yêu cầu mới về ngôn ngữ và văn hóa của bản dịch, nhưng vẫn phải cố gắng giống bản gốc không nhiều thì ít. Hiện khuynh hướng này đang thắng thế ở Đông lẫn Tây vì lý do thực tiễn. Ai quan tâm đến giá trị văn hóa đương thời đều công nhận viết hay, đáp ứng nhu cầu độc giả hiện đại, mới dễ thành công. Người bản xứ đọc thơ dịch thấy như đọc thơ bản ngữ sẽ đón nhận nhiều hơn..
Ngay từ xưa Horace đã nhắc nhở người câu nệ, cả tin mù quáng: Đừng dịch quá trung thành theo sát từng chữ (Nec verbum verbo curabis reddere, fidus interpres). St. Jerome thú nhận rằng khi dịch là đồng thời ông vừa dịch vừa tạo một tác phẩm mới. Nguyên tắc của ông là không dịch từ mà dịch nghĩa (non verbum e verbo, sed sensum exprimere de sensus).
J. Dryden nhận thấy có 3 cách dịch:
– Metaphrase (siêu dịch) chuyển tác giả từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác bằng cách dịch từng chữ, từng hàng. Ngày nay G. Steiner cho rằng thay bằng từ “literalism” thì dễ hiểu hơn.
(literal translation = word-for-word translation hoặc wording).
– Paraphrase (diễn dịch) linh động hơn, chú ý đến dịch nghĩa hơn dịch chữ, nhưng cùng lắm chỉ được quảng diễn chứ không thay đổi nghĩa.
– Imitation (phóng dịch) cho dịch giả nhiều tự do hơn, được biến đổi từ và nghĩa, và nếu cần bỏ lơ chúng, chỉ lấy những gợi ý tổng quát chung của bản gốc, viết lại theo ý mình.
F. Schleirmacher cho rằng cách dịch tùy thuộc mục đích của dịch giả. Paraphrase nhằm đưa độc giả đến tác giả, nghĩa là muốn giới thiệu bản gốc thì bản gốc phải được tôn trọng, giữ được nét riêng “ngoại lai” để độc giả thấy được cái hay đẹp mới lạ của nó. Imitation nhằm đưa tác giả tới độc giả, nghĩa là độc giả quan trọng hơn, thì bản gốc cần thay đổi, thích ứng cho dễ lĩnh hội. Nhưng cách nào dùng triệt để cũng sẽ có khuyết điểm: bản dịch hoặc ngô nghê, xa lạ, hoặc bị hy sinh đặc trưng quá nhiều. Vậy phải dung hòa. Nhưng ông nhấn mạnh yếu tố âm nhạc của ngôn ngữ thơ, thể hiện trong tiết tấu, cần phải được duy trì tối đa.
……..
Thơ là một loại hình văn học đặc biệt, cho nên dịch thơ cần phải chú trọng đến các đặc thù của thơ để duy trì được tình cảm, tư tưởng, cũng như phong cách của tác giả càng nhiều càng tốt. Trước khi dịch nên xem xét vài bình diện khác nhau của bài thơ để hiểu đúng vì trong thơ có nhiều bất thường.
Về mặt ngữ nghĩa, tìm hiểu kỹ thông điệp, thái độ của tác giả. Do thơ có tính biểu tượng, ám chỉ, không rõ ràng… cho nên có thể hiểu khác nhau, diễn dịch khác nhau, dẫn tới dịch cũng khác nhau. Mặt khác, có người cho rằng mục đích của tác giả quan trọng nhất, từ đó suy ra tác giả nếu viết trong ngôn ngữ dịch sẽ viết ra sao để theo đó mà dịch. Tuy nhiên mục đích này cũng không phải hiển nhiên, rõ ràng, nhất là bài thơ tự nó có thể cho nhiều ý nghĩa khác nhau vượt qua ý gốc của tác giả, mà cho dù tác giả còn sống cũng không thể cản trở độc giả tìm thấy thêm những ý nghĩa mới này.
Ngoài cú pháp, thi pháp khác nhau giữa 2 ngôn ngữ, muốn hiểu đúng phải để ý đến những ghép chữ, đặt câu phức tạp, xáo trộn, bất thường hay gặp trong thơ. Tìm xem đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ (predicate) trong câu viết lộn xộn, ngắt lung tung, dài lòng thòng để hiểu cho đúng. Thơ thường xử dụng “nhiều mỹ từ pháp”, nói một đằng mà phải hiểu đằng khác, nhất là với chơi chữ, nói lái, nghĩa kép (double entendre) cần nắm vững để khỏi hiểu sai bản gốc, cũng như để cố gắng duy trì chúng trong bản dịch.
Các “mỹ từ pháp” thường gặp: metaphor (ẩn dụ), allegory (phúng dụ), hyperbole (ngoa dụ), synecdoche (cải dung), metonome (hoán dụ), personiification (nhân cách hóa)…. Cần nắm vững và phân biệt chúng thì mới tránh được hiểu lầm, hiểu sai. Ẩn dụ thường được dùng nhiều trong thơ, khiến R. Frost kết luận: “Poetry is simply made of metaphor” (Thi ca chỉ là tạo bởi ẩn dụ).
Thơ là để ngâm chứ không phải để đọc bằng mắt. Ngoài vần điệu còn có tiết tấu nội tại trong bài thơ nhờ chỗ nhấn (stress) thanh điệu (bằng trắc) của chữ, ngắt đoạn, ngắt câu… Âm và nghĩa liên kết chặt chẽ tạo hình ảnh thơ. Tác giả có thể xử dụng chữ tượng thanh (onomatopoeia), trùng nguyên âm hay phụ âm (assonance) lập lại liên tiếp đồng âm (alliteration) hoặc từ láy…, rất khó dịch cho đạt.
(Nguồn: Dịch Thơ – Phạm Đức Thân)
.
II.
— Bạn nghĩ thế nào về thơ dịch?
— Tôi nghĩ: Thơ dịch không phải là thơ, dịch thơ không phải là dịch.
— Thế nó là cái gì?
— Là ý thơ. Ý thơ đâu phải là tất cả bài thơ? Cũng không phải là phần quan trọng của bài thơ. Không quan trọng chút xíu nào.
— Từ từ. Xem nào: Bạn bảo thơ dịch là ý thơ?
— Vâng. Thì chỉ là cái ý, cái nghĩa của bài thơ gốc thôi. Bạn còn đòi dịch được cái gì nữa?
— Thế ngoài cái ý ra, bài thơ còn có những gì?
— Ngoài cái ý ra, còn lại bài thơ. Nói cách khác, khi bạn vất cái nghĩa bài thơ đi rồi thì cái còn lại là phần cốt tủy của bài thơ.
— Gớm. Sao mà phét lác thế. Còn lại những gì? Nói cho cụ thể xem.
— Điệu thơ này, thể thơ này, giọng thơ này, lời thơ này, không khí bài thơ này… Bao nhiêu là cái, cái nào cũng quan trọng hơn ý thơ.
— Bạn có thể nói mà không huênh hoang được không? Nói cho rõ ràng, cho cụ thể xem nó quan trọng như thế nào?
— Thì nói. Bạn nhớ bài ‘Tống biệt hành’ của Thâm Tâm chứ? Hãy thí dụ bây giờ ta “dịch” bài ấy ra… lục bát. Vẫn là một bài thơ bằng tiếng Việt, nhưng theo thể lục bát. Thế thôi. Như vậy ta tránh cho nó sự chuyển biến từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Ta hạn chế bớt sự thay đổi, mất mát. Chỉ có đổi từ thể thơ này sang thể thơ kia mà thôi. Cái đổi ấy cũng không lớn lao gì: Từ một thể thơ Tàu đã Việt hóa sang một thể thơ Việt thuần túy. Gần như từ Việt sang Việt. Đâu thấm thía gì nếu đem so sánh với trường hợp dịch một bài sonnet ra một bài thất ngôn bát cú, hay dịch những câu thơ alexandrin ra những câu song thất lục bát. Phải không?
Đó, tôi chọn trường hợp thuận lợi nhất cho bạn, tôi tỏ thiện chí tối đa đối với bạn. Tôi đố bạn dịch thế nào cho thành một bài ‘Tống biệt’ lục bát có khả năng truyền đúng những xúc cảm chứa đựng trong bài hành của Thâm Tâm.
Tôi không có ý chê bạn là người kém lỗi lạc. Tôi bênh vực bạn: Tôi cam đoan không một ai trên đời này có thể dùng thể lục bát để truyền lại đúng cái xúc cảm của một bài hành cả. Mỗi thể thơ có cái phong thái của nó. Cũng như mỗi ngôn ngữ, mỗi giọng thơ có cái phong thái riêng của nó… Dịch thế quái nào được?
— Nào xem:
“Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…”
Lục bát quả không có được cái rắn rỏi ấy.
— Còn nữa, bạn ơi!
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.”
Đó, bạn dịch xem! “Người đi! ừ nhỉ, người đi thực!” Bạn dịch đi. Tôi rộng lượng, tôi khoan hồng: Tôi không đòi bạn dịch ra tiếng Mỹ, tiếng Nga, tiếng Mông Cổ, tiếng Lèo… gì ráo. Chỉ nhờ bạn dịch hộ ra thơ lục bát thôi: Hay là bạn muốn dịch ra bài vè tứ tự? Cũng được luôn. Nhưng tôi cấm bạn biểu diễn một màn lố bịch xung quanh bài thơ danh tiếng một thời.
— Quả thực có một cái gì dính liền với thể thơ cổ phong Tàu, không truyền sang thơ ta được.
……….
Dù sao xin bạn nhớ kỹ cho: Thể điệu của bài thơ là cái gì rất quan trọng, và chúng ta không hi vọng tìm được những thể điệu thực sự tương ứng trong các ngôn ngữ khác nhau.
— Bây giờ, chúng ta hãy bước sang một cái gì dịu dàng, thoải mái hơn.. Hãy thưởng thức mấy lời tình tứ du dương:
“Nhà em có một giàn trầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”
— Bạn thấy sao? Bạn nghe thêm một chút giọng nữ nhé:
“Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình… với nhau
Ai làm cả gió, đắt cau,
Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non?”
Bạn thích không? Bạn dịch ra bài thơ tiếng Mỹ nhé.
— Tôi ngờ bạn bị quỉ ám. Bạn có những sáng kiến hành hạ người đời cách vô cớ. Những thôn Đoài và thôn Đông, những cau nhớ trầu, những sương muối và trầu, những gió và cau v.v…, nó liên hệ với tình yêu ở xứ này một cách lố bịch, những cái đó có thể làm khối người Mỹ chết sặc vì cười. Hoặc dãy palm ngoài phố, hoặc hàng cau liên phòng, thì nó tình tứ, nó lãng mạn chỗ nào? Bạn nhiễm nặng tính hiểm ác vào người, e bất trị.
— Này nữa:
“Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”
(Nguyễn Bính)
Dịch ra tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Maroc v.v…, bạn có dịch chữ “đó” không? Bạn dịch ra sao, xin cho nghe… Bạn lại mắng tôi kém… quân tử! Bạn chỉ dịch cho xong ý nghĩa câu thơ, rồi bạn bỏ qua cái tiếng thừa thãi hả? Bạn khôn ơi là khôn!
— Kìa, bạn đay nghiến tôi đấy à? Thì tiếng nước nào chẳng có tiếng hư tiếng thực, nghĩa nổi nghĩa ngầm v.v…
……….
Thơ là nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ. Thi sĩ khai thác đến tận cùng cái tinh vi của ngôn ngữ, tất nhiên chỉ là ngôn ngữ dân tộc ông ta thôi. Cho nên trong thơ hay của người nước nào mà lại không có ít nhiều chất Bùi Giáng? (Ý tôi muốn nói: ít nhiều liên hệ với các đặc điểm ngôn ngữ bản xứ.) Giữa lời thơ với ngôn ngữ được sử dụng có đầy âm mưu thầm kín. Đôi bên chúng nó toan tính, đồng lõa với nhau, nháy nhó nhau, chúng phối hợp nhau gây nên những nét đẹp đẽ, ngộ nghĩnh, những xúc động lâm ly v.v… mà kẻ “ngoại thủy” không ai tham dự được. Đứng bên ngoài, kẻ dịch thơ nghệch người ra.
— Bạn cực đoan vừa thôi. Cứ nghe bạn nói riết một hồi, tưởng chừng thơ không cần ý. Không có ý thơ, tứ thơ, làm sao có thơ? Cái nảy ra trước tiên trong đầu thi nhân, cái gây ra cảm hứng của thi nhân, cái đó là một tứ thơ chứ đâu phải là chữ nọ lời kia, giọng này giọng khác? Cái gì nó chủ trì toàn bài thơ, làm nòng cốt cho bài thơ, cái đó là một ý tưởng, đâu phải là những “đặc điểm ngôn ngữ” lặt vặt như lá hoa cồn, như sư cụ đáo nơi neo?
— Bạn nói trúng phóc. Thơ cần có ý: đúng. Ý thơ là nòng cốt: đúng nữa. Cái ý đối với bài thơ cũng như bộ xương đối với con người. Người cần có bộ xương, bộ xương là nòng cốt con người. Khởi đầu, thi nhân nảy ra một cái ý. Khởi đầu, Thượng Đế lấy một cái xương, để gầy ra con nguời.
Gầy xong cái nòng cốt, nhìn lại bộ xương, Thượng Đế rụng rời khiếp hãi vì sự xấu xí của tác phẩm mình. Người lấy làm xấu hổ, Người vội vã lấy đất sét đắp lên, bao bọc kín cả xương.
Thơ cũng như người: đẹp vì thịt, không đẹp vì xương. Khi chỉ còn là hai bộ xương xếp nằm cạnh nhau, Tây Thi và Chung Vô Diệm trông như nhau. Thơ cũng như người: sống nhờ thịt, không sống nhờ xương. Khi thịt rữa nát rồi, chỉ còn lại bộ xương, chỉ còn lại cái nòng cốt, thì không còn sự sống nữa.
Thơ cũng như người: mọi biểu hiện phong cách đều ở thịt, không ở xương. Làn thu thủy nét xuân sơn, bộ dạng ranh mãnh, vẻ phúc hậu, nỗi buồn phiền, ưu tư, hân hoan, tha thiết v.v… đều là thịt cả. Xương, không có bộ xương buồn. Không có bộ xương nhí nhảnh. Bộ xương không có cá tính, bản sắc, không có phong cách. Cái nòng cốt không có phong cách.
Nếu bạn chọn cái đẹp, chọn sự sống, chọn tìm hiểu một phong cách…, bạn chọn thịt. Chọn lời thơ, giọng thơ, chọn câu, chọn chữ v.v… Trong những cái đó có hơi thở của con người.
Hoặc giả bạn nhất định chọn cái “nòng cốt” chăng?
— Còn bạn, cứ đà này không khéo dần dần bạn tiến đến những bài thơ không có ý!
— Rất có thể. Có thể lắm. Xưa nay vẫn có những bài thơ vô đề, không từng có bài thơ nào vô ngôn. Thơ là lời, là chữ, là nhịp điệu, vần vè. Thơ là thể xác. Mất thể xác đi là mất tất cả. “Thác rồi thể xác, còn là… khỉ meo!” Không có cái tinh anh nào còn lại cả.
………
Trở lại chuyện dịch. Ý “tống biệt”, bạn dịch được. Toàn bài có bao nhiêu ý lớn ý nhỏ, chịu khó mằn mò bạn có thể dịch được tuốt hết. Nhưng như vậy là bạn chưa hề động chạm gì đến cái hay, cái đặc biệt của bài thơ. Bởi vì bạn làm thế quái nào dịch được cái “gấp”, cái “gắt”, cái “rắn rỏi”, cái “gân guốc”? Tức những cái không nằm trong ý thơ mà trong xác thơ. Như vậy bạn dịch làm chi? Bản dịch của bạn có thể dùng vào việc gì khi nó không có công dụng truyền đạt cái hay, cái đặc điểm của bản gốc? Bạn dịch làm chi, bạn nói tôi nghe? Dịch như thế… Tôi nghĩ đến cái ngày mà Truyện Kiều được dịch sang đủ 160 thứ tiếng của các nước trong Liên Hiệp Quốc, cái ngày xương cốt Kiều tung tóe đó đây, bấy giờ thiên hạ sẽ khóc Tố Như râm ran khắp nơi. Lo gì thiếu kẻ xót thương?
— Điệu này e phải cấm dịch thơ.
— Xin can. Vì vai trò quan trọng của nó trong sinh hoạt văn học quốc tế mà bạn đã nêu lên từ đầu. Vì “có còn hơn không”.
(Nguồn: Thơ Dịch – Võ Phiến)
.
Nguyên Lạc
Bạn phải đăng nhập để bình luận.