Lê Nghị Phê bình

Le Nghi

Lê Nghị

nguyendu1

Bài 2

I. Đặt vấn đề

Chủ Nhật rãnh, tôi dạo mạng đọc vài bài giới thiệu Phản Chiêu Hồn của cụ Nguyễn Du, thấy có vài điều cần thảo luận.

Trước đây tôi có viết bài về đề tài này, nhưng tình cờ lại thấy một trang ( Văn học Công An điện tử. Net đăng ngày 16/4/07) cho rằng Nguyễn Du đã từng viết bài Văn Chiêu Hồn, nhưng khi đi sứ nhà Thanh lại viết bài Phản Chiêu Hồn là do Nguyễn Du có cùng tâm sự với Khuất Nguyên. Điều buồn cười là bàn về Phản Chiêu Hồn lại đem đến Văn tế thập loại chúng sinh ra đối chứng, làm như hai quan điểm đối nghịch nhưng bổ sung cho nhau và cuối cùng kết luận khuôn sáo đại để: cả hai bài đều
mang tính nhân đạo sâu sắc.

Bên cạnh đó một bài văn mẫu cho học sinh lại cho rằng bài Phản Chiêu Hồn xếp trong tập Thanh Hiên Thi Tập!? (trang taplamvan.edu.vn đăng ngày 30/10/14)

Trong khi bài Phản Chiêu Hồn xếp trong tập Bắc Hành Tạp Lục chứ không phải Thanh Hiên thi tập. Nguyễn Du khi đi sứ nhà Thanh năm 1813 đi ngang mộ Khuất Nguyên có làm bài thơ tỏ lòng cảm khái. Nhân đó ông cũng làm bài Phản Chiêu Hồn chống lại bài Chiêu Hồn của Tống Ngọc.
Bối cảnh ra đời của tác phẩm rất quan trọng trong một số trường hợp, đặc biệt là bài Phản Chiêu Hồn. Trong trang “hocbao
.net” cũng đưa ra bài văn mẫu lớp 9, tương tự trang tập làm văn nói trên.

Cả ba bài đăng đã nhiều năm nhưng không thấy ai lên tiếng. Đặc biệt trang hocbao và trang Tập làm văn educa.net là những trang học sinh thường tham khảo.
Nếu là một bài không nằm trong chương trình giảng dạy thì tôi cũng không hơi đâu mà quan tâm, nhưng bài này có dạy trong chương trình của lớp 9 nên đành phải lên tiếng vậy.

Tóm lại chưa thấy ai nêu ra tính dân tộc trong bài Phản Chiêu Hồn.
Thiển nghĩ, chưa nhận ra tính dân tộc vì không đọc đủ và kỹ lưỡng các bài trong Bắc Hành Tạp Lục.
Đồng thời cũng không nhận ra tính nghị luận bút chiến trong bài Phản Chiêu Hồn. Bởi vì bình giảng sai phương pháp.

Nhắc lại, Bắc Hành Tạp Lục của cụ Nguyễn Du là tập thơ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe và cảm xúc trước đất nước và con người Trung Hoa khi ông đi sứ. Để viết nên bài này ông đã thực chứng xã hội Trung Hoa trong nhiều bài khác như Thái Bình Mại Ca Giả, Sở Kiến Hành, Bác Giả Nghị…

Cả 3 bài này và nhiều bài của các tác giả khác khi bình giảng bài Phản Chiêu Hồn đã sai về phương pháp phê bình nói chung và phê bình văn học nói riêng. Nó tạo cho thói quen học sinh nói theo một chiều.

Bài Phản Chiêu hồn là phản biện lại bài Chiêu hồn của Tống Ngọc, một nhà thơ của Trung quốc, học trò của Khuất Nguyên nước Sở. Nguyễn Du trong truyện Kiều đã xếp Tống Ngọc vào hạng khách làng chơi:

Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh

Do vậy, tất nhiên Nguyễn Du đã biết đến Tống Ngọc và tác phẩm của Tống Ngọc. Ông còn nắm rất sâu thơ Khuất Nguyên và các tác giả khác nói đến Khuất Nguyên nên mới phản bác các tác giả đó.
Phản Chiêu hồn không phải phản biện Văn Tế thập loại chúng sinh của chính Nguyễn Du mà là chống lại bài Chiêu Hồn của Tống Ngọc.

Một điều cực kỳ quan trọng đối với người bình giảng một bài phản biện, không giống khi bình giảng bài nguyên tác. Muốn biết bài phản biện tại sao viết như vậy thì phải biết văn bản bị phản biện trước đó người ta nói gì. Nghĩa là phải cần thiết nêu lại hoặc trích đoạn bài Chiêu hồn của Tống Ngọc. Có như vậy nhận định mới công bằng và chính xác. Sự sai sót khi phân tích, bình luận của các bài trên là từ đó. Nhân đây cũng muốn nói rằng cần nhắc nhở học sinh, muốn hiểu văn thơ của ai, cần đọc chính tác phẩm của họ, chứ không hoàn toàn cả tin những gì người bình giảng, hướng dẫn viết. Có vậy mới tạo cho các em phương pháp làm việc khoa học sau này viết luận văn, đề án…cũng như khi nghe một thông tin nào đó, cần xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn, đặc biệt là nguồn thông tin nghịch chiều.

Do không đối chiếu bản của Tống Ngọc nên nhiều tác giả đã phiến diện, chỉ thấy tính nhân văn mà không thấy tính tự tôn dân tộc, nói cách khác, không thấy tấm lòng yêu nước của Nguyễn Du. Bài Phản Chiêu hồn, cũng như bài Thái bình mại ca giả và Sở Kiến Hành trẻ em có học trong sách giáo khoa, cũng như một số bài chưa học trong Bắc Hành Tạp Lục, như các bài về Triệu Vũ đế, Mã Viện…tính dân tộc đã bị bỏ sót do không hiểu bối cảnh lịch sử sẽ được phân tích ở các bài viết khác. Ở đây chỉ tập trung về tính bút chiến trong bài Phản chiêu hồn. Sở dĩ trong bài 1 tôi đã sưu tầm và đăng cả hai bài là để chúng ta so sánh.

Tôi xin trình bày cách hiểu của cá nhân mình về bài Phản Chiêu Hồn để bạn đọc đặc biệt là học sinh tham khảo; chỉ mong hiểu đúng ý chính cụ Nguyễn: một trí tuệ uyên bác, một tâm hồn nhân văn, nhưng trước hết là một người yêu nước thể hiện trong bài Phản Chiêu Hồn và các bài thơ khác trong tập Bắc Hành Tạp Lục.

II. Phân tích vài điểm quan trọng

1.Xuất xứ:

-Bài Chiêu Hồn được xem là của Tống Ngọc gọi hồn của Khuất Nguyên sau khi Khuất Nguyên bị Thượng Quan gièm xiểm phải lưu đày, buồn mà trầm mình tại sông Mịch La. Nhưng không có nghĩa nhất thiết ngay sau Khuất Nguyên chết Tống Ngọc trực tiếp đọc điếu văn hoặc làm kịp một bài gọi hồn. Bởi vì Khuất Nguyên trầm mình trong hoàn cảnh bị đi đày, không có Tống Ngọc theo. Chẳng qua đó là một sáng tác mượn chuyện để bày tỏ quan điểm mà thôi.
-Nguyễn Du làm bài Phản Chiêu Hồn và các bài liên quan nhân chuyến đi sứ nhà Thanh năm 1813, nghĩa là khoảng 2000 năm sau khi Chiêu Hồn ra đời.Tính bút chiến là ở đối nghịch tư tưởng của tác phẩm chứ không phải cùng thời như các cuộc bút chiến khác. Tuy nhiên nó có giá trị đương thời nhất định vì tư tưởng mà Tống Ngọc tải qua bài Chiêu Hồn vẫn còn ảnh hưởng trong thời đại Nguyễn Du và kéo dài đến ngày nay.

2.Hình thức:
-Bài Chiêu Hồn của Tống Ngọc thể từ, rất dài, tới 256 câu. Chia làm 3 phần: mở, thân, kết. Riêng phần thân bài, nội dung quan trọng tới trên 200 câu, tải 7 ý lớn.
-Bài của Nguyễn Du thể hành thất ngôn, chỉ vỏn vẹn 20 câu.

Người viết đã trích đủ bản dịch ở phần đầu( bài số 1).Nguyên văn Hán và phiên âm bạn đọc tham khảo trang “hocviet. info”. Ở đây tôi chỉ tóm tắt ý đoạn giữa là đoạn nội dung quan trọng mà Nguyễn Du chống lại. Quý vị vui lòng so với toàn văn ở bài 1 , để tránh bài viết quá dài không cần thiết.

3.Nội dung:

-Bài Chiêu hồn:
Phần mở đầu và kết thúc không có gì đáng bàn. Thế nhưng phần giữa trên 200 câu là một vấn đề nghiêm trọng không thể bỏ qua. Trong phần này Tống Ngọc đã dùng 72 câu cố tình thuyết rằng 4 xứ quanh Trung nguyên môi trường thiên nhiên không thể sống được và đặc biệt những tộc người các nơi đó là man di mọi rợ. Ai tinh ý đọc qua, cũng thấy bài từ đã ám chỉ phương Đông: Nhật Bản; phương Nam đất Bách Việt, phương Tây là các nước Tây Tạng, Tân Cương, Mông cổ ngày nay và phương Bắc là các xứ như Mãn Thanh, Hàn quốc. Riêng phương nam xứ Bách Việt thời đó Tống Ngọc đã cho là:

Phương Nam đừng dừng lại! (2)
Trán khắc răng đen ấy,
Cúng lễ toàn thịt người,
Xương băm làm mắm ruốc.
Rắn độc bò lúc nhúc,
Cáo dữ chen chúc nhau.
Mãng xà đực chín đầu,
……
Người Việt vốn có tục nhuộm răng, xăm mình. Nhuộm răng thì đến nay các cụ trên 90 tuổi vẫn còn dấu tích nhuộm thời trẻ.Và tục xâm mình nhằm khi đi rừng núi, lặn sông thú dữ, cá dữ thấy mà né đi, tục này đến đời Trần Anh Tông mới bỏ vì không cần thiết nữa.

Tục xăm mình xưa đàn ông có
Để phòng khi núi nọ sông kia
Nhác trông, thú dữ xa lìa
Quái ngựa e ngại liệu bề lánh đi

Gái cập kê tới thì răng nhuộm
Hé môi xinh đen bóng hạt huyền
Ngoài rằng cười nói thêm duyên
Nhuộm, xăm dễ nhận khác miền đất xa.

( Sử Việt Cho Cháu- Phong tục, tập quán – Lê Nghị)

Nước ta lấy rồng tiên tượng trưng cho tổ tiên, là nhấn mạnh đến tính dũng cảm như rồng, nhân hậu như tiên. Nhưng Chiêu Hồn đã xuyên tạc là mãng xà và hồ ly.! Chưa kể đoạn sau còn nói người Việt thời đó, ngang thời Âu-Lạc ăn gan, tim thịt người.
Thử hỏi ai trong chúng ta biết người ta bêu xấu dân tộc mình mà không phản đối. Nên chính lý do trên mới là động cơ thúc đẩy Nguyễn Du viết bài Phản Chiêu Hồn. Chắc rằng trước khi đi sứ nhà Thanh, Nguyễn Du cũng đã đọc, nhưng chỉ sau khi ông thực chứng xã hội Trung Hoa thì dẫn chứng mới chính xác và thuyết phục.

Phần còn lại trên 130 câu, Chiêu Hồn dành ca ngợi đất nước, con người, xã hội Trung Hoa mà chắc là không tác phẩm nào trước và sau có thể sánh bằng. Đó là những lời dối trá, nịnh bợ bậc nhất, nó có lợi cho giới cầm quyền phương Bắc trong bất kỳ thời đại nào. Nó gieo trong đầu óc người Hoa coi thường các dân tộc khác và vua của họ là con trời có quyền thống trị và khai hoá cho dân tộc khác. Chính vì vậy nó được tồn tại, được tán tụng cả 2000 năm!

-Để đối lại 70 câu phản nhân văn trong đó chạm tới tính tự tôn dân tộc, Nguyễn Du không cần bênh vực, chỉ cần lật lại vấn đề bằng 4 câu rất hóc búa:

Hồn hề! Hồn hề! Hồ bất quy?
Đông tây nam bắc vô sở y.
Thướng thiên há địa giai bất khả,
Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi?

Nè hồn, nè hồn, sao bỏ đi?
Bốn phương nếu xét chẳng ra gì
Trên trời dưới đất đều không thể
Về lại xứ này có được chi ?
(Lê Nghị)

Chỉ với 4 câu lật lại vấn đề: anh nói bốn phương và hai cõi đều bạc ác thì cái xứ Tàu này (Yên, Dĩnh) là nơi sống được chăng?

Trước hết tôi nói cho anh biết, đất như cũ nhưng kẻ cai trị, (những kẻ mà ra đường thét ngựa xe, ngồi lì ghế cao đó) là bọn thú đội lốt người. Chính cái xứ này mới không nên về! Hồn mà về đây chỉ càng bị khinh khi lây , thà rằng cứ trở lại cái trạng thái lơ lững chưa sinh chưa biến còn hơn. Đừng có mơ cái thuở Tam Hoàng thịnh vượng, tốt đẹp nữa, kể cả tương lai ( hậu thế nhân gian) cũng chẳng có đâu!
Tống Ngọc dành 130 câu ca ngợi Trung Hoa, Nguyễn Du đặt câu hỏi:
Anh nói rằng xứ này tận thiện mỹ, vậy anh nghĩ sao cả trăm châu ( khoảng 25.000 hộ) đói xơ xác, không tìm ra một người béo tốt?
Đồng thời người tài năng chân chính lo cho dân cho nước phải thác oan? Bài thơ kết rất cứng rắn, dứt khoát:

Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La,
Ngư long bất thực, sài hổ thực,
Hồn hề! hồn hề! nại hồn hà?

Họ Thượng Quan, người người một ruột
Đều nơi nơi sông nước Mịch La
Sài lang xực, cọp đâu tha,
Hồn ơi, hồn hỡi, hồn đà tính sao(?! )
(Laiquangnam)

Khắp xứ này hồn về thì có thoát miệng cá dữ cũng bị sói, hùm xơi! Không còn đường sống!

III. Kết luận

Đọc 3 bản dịch đã giới thiệu trong bài 1, tưởng cũng đã rõ ý bài Phản Chiêu Hồn. Tuy nhiên nếu không so sánh với bản của Tống Ngọc thì không hiểu toàn diện và trọng tâm của bài Phản Chiêu Hồn. Nguyễn Du đã tham gia cuộc bút chiến nhằm bảo vệ văn hoá Việt. Các em học sinh cần phải biết bài Chiêu Hồn của Tống Ngọc mới có thể hiểu chính xác, và mới nhận ra Nguyễn Du không chỉ là nhà nhân đạo mà còn là một nhà yêu nước.
Tối thiểu các em cần được nắm những ý chính dưới đây.

1.Nội dung bài Chiêu Hồn củaTống Ngọc là gọi hồn của ai đó, tương truyền của Khuất Nguyên, đừng lang thang đông tây nam bắc mà hãy về tá túc ( hoặc đầu thai ?) ở Trung Nguyên. Nhưng các bài bình giảng Phản Chiêu Hồn không đối chiếu văn bản này, nên khi đọc bài Phản Chiêu hồn của Nguyễn Du cứ tưởng rằng là đừng về ở thế gian nói chung, do đó chỉ nhấn mạnh tính nhân văn bỏ qua tính tự tôn dân tộc.

Đã 4 lần Tống Ngọc gọi hồn” về đây”, về Trung nguyên. Thêm vào đó hai 2 lần gọi hồn: cõi âm phủ và cõi trời cũng không sống được. Chỉ có Trung Nguyên là nơi số một. Tống Ngọc lại dành 130 câu để ca ngợi Trung Nguyên thì càng rõ ý đồ.

2. Nguyễn Du đã phản bác quan điểm của Tống Ngọc, vì Tống Ngọc đã cho là các nước xung quanh không sống được, các tộc người còn man di mọi rợ. Còn phương Nam là nước ta, là xứ rợ ăn thịt người, làm mắm bằng xương người. Nước ta là xứ rồng bị xuyên tạc là xứ có mãng xà lớn ; có tục nhuộm răng, xâm mình thời Trần Anh Tông mới bắt đầu bỏ dần.Tục nhuộm răng thì các bà cụ tuổi xấp xỉ 90 hiện nay vẫn còn dấu tích nhuộm từ thời trẻ, trước 1954.

Do vậy cụ Nguyễn đã dẫn chứng thuyết phục rằng Trung Hoa mới là nơi bất công không đáng cho hồn về. Ông đã bày tỏ lập trường dân tộc và nhân sinh mà chính là tính dân tộc qua bài Phản Chiêu Hồn, trước hết là phản đối tư tưởng xuyên tạc miệt thị các xứ xung quanh là mọi rợ, tàn ác (khuyển nhung di địch). Tiếp đến chê bai xã hội Trung quốc, không phải là hình mẫu đáng theo. Đó mới là những ý chính của bài Phản chiêu hồn.

3. Ta biết rằng cụ Nguyễn đã có bài Văn tế thập loại chúng sinh, là một bài toàn diện trên quan điểm Phật giáo thì không có lý gì lại phản lại ý mình như bài viết trên trang Công An nhân dân. điện tử đã nói trên. Nói
cách khác bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh không liên quan gì đến bài Phản Chiêu Hồn.

4. Nhấn mạnh lại lần nữa, Phản Chiêu Hồn là bài thơ bài bác quan điểm xem Trung Nguyên là đất của tinh hoa văn hoá. Bài thơ của Tống Ngọc xét về ý thì cực đoan, bệnh hoạn, phân biệt chủng tộc, không hề có luận cứ, luận chứng, áp đặt nhưng các triều đại Trung quốc lại truyền tụng nhằm thần thánh hoá Hoa tộc. Quan điểm của cụ Nguyễn mang tính dân tộc và nhân văn cao, cấu trúc bài thơ theo trình tự nghị luận, là bài bút chiến đầy thuyết phục bác bỏ một bài thơ đại diện cho tư tưởng bá quyền, nước lớn. Tài năng của thi hào là chỉ dùng một bài thơ 141 từ, đánh đổ một luận thuyết dài đến 1000 từ, được trình bày bởi một nhà thơ nổi tiếng Trung Hoa phong kiến.

5. Qua đó ta thấy tấm lòng yêu nước của thi hào, dù trong hoàn cảnh nhà Nguyễn nhân nhượng nhà Thanh khôi phục Hán học, cũng tìm cách tỏ ý của mình.

Nguyễn Du là người yêu nước, Truyện Kiều ông viết cần được hiểu nhằm chứng tỏ rằng tiếng Việt phong phú, đủ diễn đạt mọi cung bậc tình cảm của nhân loại, một cách chống đối ngầm lại chủ trương Hán hoá ngôn ngữ, chứ không đơn thuần tải tâm sự của mình và phản ánh xã hội thời Nguyễn qua một tiểu thuyết dài. Đó cũng là lý do chính trị mà các bài thơ trong khi đi sứ Trung Hoa ông sáng tác mãi đến Pháp thuộc vua Tự Đức mới cho công bố, vì Bắc Hành Tạp Lục đầy dẫy các bài phê phán xã hội Trung Hoa. Đời sau mới xếp lại theo hành trình đi sứ và đặt tên là Bắc hành tạp lục.

Rất mong các nhà làm công tác giáo dục xét lại cách giảng trong sách giáo khoa và những bài văn mẫu trên mạng về nội dung bài Phản Chiêu Hồn. Nếu thấy ý kiến người viết có phần nào hợp lý thì nên cân nhắc bổ sung.

Lê Nghị

Đăng bởi nguyenlacthovan

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi (Nguyễn Du)